Sl3 Slide 2
Bạn chưa đăng nhập, vui lòng đăng nhập để có thể sử dụng tốt nhất dịch vụ Vilaw .
Đăng nhập

Khắc phục “rào cản” để kinh tế số phát triển

(ngày đăng: 19/10/2021 11:15)

Nhiều tiềm năng cho kinh tế số Việt Nam

Tại hội thảo, Công ty AlphaBeta đã công bố Báo cáo “Tiềm năng KTS Việt Nam”, cho thấy, kinh tế công nghệ số có thể đem lại hơn 1,733 triệu tỷ đồng (74 tỷ USD) cho Việt Nam vào năm 2030. Khoản tiền này tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020. Trong đó, những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là sản xuất, nông nghiệp-thực phẩm và giáo dục-đào tạo.

Khắc phục “rào cản” để kinh tế số phát triển
Đại biểu tham dự đánh giá cao tiềm năng phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Báo cáo “Tiềm năng KTS Việt Nam” cũng nêu rõ, dân số trẻ, có học thức và am hiểu công nghệ tại Việt Nam chiếm tới 70% công dân dưới 35 tuổi; tỷ lệ biết đọc và biết viết ở nhóm người có độ tuổi từ 15-35 tuổi chiếm tỷ lệ cao, trên 98%, trong khi tỷ lệ trung bình toàn cầu là 91%; hơn 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Việt Nam cũng là quốc gia có nền kinh tế internet tăng trưởng nhanh thứ 2 Đông Nam Á, sau Indonesia. Đây được đánh giá là cơ hội rất lớn để Việt Nam phát triển KTS.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá, với nhiều quốc gia trên thế giới, KTS đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng. Đối với Việt Nam, trong bối cảnh bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, càng cần đẩy nhanh quá trình phát triển KTS trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhằm nâng cao năng suất, hiệu suất và hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế.

Trên thực tế, xác định rõ tầm quan trọng của KTS, chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thời gian qua, Đảng và Nhà nước cũng đã hành nhiều chủ trương, định hướng liên quan đến vấn đề này. Điển hình, tháng 9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030, KTS chiếm khoảng 30% GDP. Thực hiện chủ trương và mục tiêu đề ra, thời gian qua, Chính phủ cũng đã quyết tâm, nỗ lực hành động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển KTS.

Từ những chủ trương, chính sách đó, ông Jacques Morisset – Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý Chương trình kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư –Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) – cho rằng: Trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19, 60% doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng các nền tảng công cụ trực tuyến, Chính phủ điện tử cung cấp trên 2.000 thủ tục trực tuyến, điều đó đã đẩy nhanh tốc độc chuyển đổi số của Việt Nam.

Đặc biệt, cùng với sự phát triển nhanh của các nền tảng số, nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo cũng được ra đời và có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Điều đó càng chứng tỏ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng cho KTS phát triển.

Khắc phục “rào cản” để kinh tế số phát triển
Ông Jacques Morisset – Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý Chương trình kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư (WB)

Khắc phục những rào cản

Mặc dù có nhiều tiềm năng, cơ hội cho KTS phát triển, nhưng phát biểu tại hội thảo, có ý kiến vẫn cho rằng, vẫn còn những rào cản làm hạn chế sự phát triển của KTS tại Việt Nam. Những rào cản này bao gồm các quy định pháp lý, khả năng kết nối kỹ thuật số, thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng số.

Cụ thể, một nghiên cứu do Liên minh Internet Á Châu (AIC) thực hiện cho thấy, các quy định về nội địa hóa dữ liệu và bảo vệ dữ liệu kết nối chậm, tốc độ băng thông rộng trung bình tại Việt Nam ước tính chậm hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, chậm hơn khoảng 10 lần so với Singapore và chỉ bằng 1/3 so với Malaysia; bằng 1/2 so với Thái Lan. Điều này đang “cản trở” sự phát triển của KTS tại Việt Nam.

Đặc biệt, mặc dù đã có sự phát triển nhanh hơn so với trước, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, khiến con người phải giảm tiếp xúc trực tiếp. Tuy vậy, hiện công nghệ số vẫn chưa được áp dụng nhiều ở một số ngành sản xuất truyền thống của Việt Nam. Điều này sẽ dẫn đến những rủi ro bỏ qua các tác động chuyển đổi của công nghệ. Bởi công nghệ số được áp dụng vào các ngành truyền thống có tiềm năng cách mạng hóa cách thức hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, các mô hình kinh doanh mới sẽ giúp tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động.

Báo cáo “Tiềm năng KTS Việt Nam” cũng cho thấy, việc áp dụng kỹ thuật số cũng rất thiết yếu để Việt Nam ứng phó và phục hồi trong cuộc khủng hoảng Covid-19 và sau đại dịch. Bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với khách hàng thông qua công nghệ số và giảm thiểu tắc nghẽn hậu cần (logistics) do gián đoạn chuỗi cung ứng, công nghệ có thể giúp doanh nghiệp kiểm soát các tác động nghiêm trọng của Covid-19. Ước tính khoảng 70% tổng cơ hội kỹ thuật số của Việt Nam (tương đương giá trị 1,216 triệu tỷ đồng, khoảng 52 tỷ USD) có thể xuất phát từ những ứng dụng công nghệ số.

Trên cơ sở từ những cơ hội và rào cản trên, các chuyên gia cho rằng, để phát triển KTS tại Việt Nam, cần tập trung vào 3 trụ cột. Bao gồm, thứ nhất, phát triển hệ sinh thái công nghệ trong nước; Thứ hai, nâng cao kỹ năng số cho người lao động và sinh viên; Thứ ba, phát triển môi trường thuận lợi cho thương mại số phát triển. Trong đó, đối với giải pháp nâng cao kỹ năng số cho người lao động và sinh viên, Chính phủ cần tập trung mạnh mẽ vào việc trang bị cho nhân lực hiện tại và lực lượng lao động tương lai các kỹ năng số cần thiết để tiếp cận các cơ hội kỹ thuật số, thông qua các chương trình đào tạo kỹ năng số dành riêng cho từng lĩnh vực, tăng cường cơ hội học nghề liên quan đến các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), đồng thời chú trọng hơn vào “kỹ năng mềm” trong chương trình giảng dạy từ mẫu giáo đến lớp 12.

Nguồn: Congthuong.vn

Chia sẻ:

Bình luận

Chưa có bình luận nào...